Trải qua gần 2,5 năm thực hiện việc đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực môi giới, định giá, quản lí và điều hành sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại Việt Nam, chúng ta đã thu được những kết quả khả quan cũng như phát sinh nhiều bất cập trong chương trình, nội dung đào tạo, đội ngũ giảng viên, quy mô, trình độ tổ chức và thực hiện của các cơ sở đào tạo… Quá trình thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề tại các Sở Xây Dựng trên cả nước, vấn đề quản lí Nhà nước về đào tạo cũng như việc quản lí hoạt động của các nhà môi giới, định giá, quản lí và điều hành sàn giao dịch BĐS sau khi cấp chứng chỉ hành nghề cũng còn rất nhiều điều phải đề cập. Bài viết dưới đây chỉ đề cập đến khía cạnh khoa học, chuyên môn trong đào tạo cơ bản và nâng cao nghề môi giới BĐS tại Việt Nam.
THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO NGHỀ MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM
Số lượng các cơ sở đào tạo. Số lượng các cơ sở thực tế có đào tạo trong hơn 2 năm qua thay đổi do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do sự biến động về cầu trong mảng đào tạo. Có nhiều cơ sở đào tạo sau khi đầu tư trang thiết bị, tài liệu phục vụ đào tạo … đã chỉ chiêu sinh được một khóa. Thậm chí có không ít những cơ sở đào tạo hăng hái hoàn thiện thủ tục đăng kí đào tạo tại Bộ Xây Dựng ngay từ những ngày đầu tiên, chi những khoản chi phí không nhỏ rồi sau đó không chiêu sinh được học viên, phải ngừng hoạt động đào tạo. Hiện tại trên trang web của Bộ Xây Dựng số lượng các cơ sở đào tạo đăng kí là 86.
Chất lượng đào tạo
Vấn đề chất lượng của các cơ sở đào tạo cũng có nhiều điều cần trăn trở. Để đảm bảo về chất lượng đào tạo, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, kết hợp với các chuyên gia BĐS, trong khi chúng ta biết rằng số lượng giảng viên trong lĩnh vực môi giới BĐS là rất ít. Một yếu tố không thể thiếu để đạt được chất lượng trong đào tạo chính là tài liệu phục vụ cho đào tạo. Hiện nay tài liệu khoa học, chuyên khảo về môi giới BĐS phần lớn tập trung tại các trường đại học, viện nghiên cứu (mặc dù tại đây số lượng tài liệu cũng rất hạn chế). Phần lớn các trung tâm đào tạo được thành lập từ các công ty, tổ chức hoặc các cá nhân nên tính chuyên nghiệp trong đào tạo là rất hạn chế. Thường xuyên xảy ra trường hợp “mượn” tên giảng viên để đăng kí thành lập cơ sở đào tạo. Các quy trình trong đào tạo như báo cáo thực thực tập của học viên, tổ chức thi cử, chấm thi cũng chỉ làm một cách hình thức…
Mặt khác, đầu vào của các khóa đào tạo chưa được sắp xếp, lựa chọn một cách khoa học, dẫn đến tình trạng trong các khóa đào tạo trình độ của học viên rất khác nhau, hiệu quả đào tạo thấp. Học viên đã tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế, quản trị kinh doanh ở các bậc học khác nhau từ đại học đến tiến sĩ ngồi cùng học viên khác thuộc các ngành kĩ thuật, xã hội … gây khó khăn cho quá trình đào tạo.
Qua hơn 2 năm tiến hành đào tạo môi giới BĐS, hiện chỉ có một số cơ sở đào tạo xác lập được uy tín tại miền Bắc như: Khoa Bất động sản & Kinh tế Tài nguyên - đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Học viện Tài chính, Trung tâm Tư vấn về đầu tư và thị trường bất động sản - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và một số cơ sở khác. Tại miền Nam chúng ta có thể thấy những cơ sở đào tạo chuyên nghiệp như: Khoa Kinh tế Phát triển – đại học Kinh tế TP. HCM, đại học Marketing, cơ sở 2 thuộc đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội…
Số lượng chứng chỉ môi giới được cấp
Trong hơn hai năm qua, số lượng các nhà môi giới trên toàn Việt Nam đã qua đào tạo tại các cơ sở đào tạo được cấp phép của Bộ Xây Dựng đã lên đến con số ước khoảng hơn 10 nghìn người. Các nhà môi giới đã phần nào góp phần thúc đẩy quá trình lành mạnh hóa thị trường BĐS, giúp thị trường vận hành hiệu quả hơn. Tuy vậy địa bàn hoạt động của các nhà môi giới lại phân bổ không đều nên có nơi đội ngũ quá đông và có những những tỉnh, thành phố không có một văn phòng môi giới nào.
MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM ĐẠO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN
Mục tiêu
Phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh và bền vững, nhất là ở khu vực đô thị và các vùng quy hoạch phát triển trong tương lai có vai trò hết sức to lớn trong việc góp phần hình thành đồng bộ các loại thị trường, nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Để góp phần đạt được mục tiêu chung đó, việc đào tạo nghề môi giới BĐS trong những năm tới cần hướng vào một số mục tiêu cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Xây dựng hình ảnh tốt đẹp về nhà môi giới, dịch vụ chuyên nghiệp về môi giới trong con mắt người dân thông qua chất lượng dịch vụ.
- Thứ hai: Đào tạo được đủ về số lượng và chất lượng đội ngũ những nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp có trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vững và có đạo đức nghề nghiệp trong thị trường.
- Thứ ba: Đào tạo và phát triển dịch vụ môi giới BĐS lớn mạnh toàn diện đặc biệt ở khu vực đô thị, các vùng trung tâm phát triển; thông qua thị trường BĐS để khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
- Thứ tư: Thông qua năng lực của các nhà môi giới, phổ cập, khai thông rộng rãi các nguồn thông tin đa chiều về thị trường bất động sản, giúp thị trường tăng cao tính minh bạch, tạo ra sự công bằng xã hội.
- Thứ năm: Thông qua sự công khai minh bạch nhờ hoạt động của các nhà môi giới, thu hút được sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển thị trường BĐS nhằm tăng cường tính cạnh tranh, hạn chế tính độc quyền, giảm bớt tính không hoàn hảo của thị trường tạo nên một thị trường lành mạnh.
- Thứ sáu: Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong việc định hướng, điều tiết vĩ mô và kiểm soát hoạt động môi giới, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và lợi ích của mọi người dân trong xã hội.
Quan điểm
Quản lý, đào tạo và phát triển nghề môi giới BĐS ở nước ta trong cơ chế thị trường vừa là một định hướng vừa là một yêu cầu phát triển mang tính nguyên tắc. Để thoả mãn được các yêu cầu đặt ra, định hướng đào tạo và phát triển nghề môi giới bất động sản ở nước ta phải dựa trên các quan điểm cơ bản sau đây.
- Một là: Đào tạo nghề phải đi đôi với thực hành nghề nghiệp, gắn chặt quá trình đào tạo lý thuyết với thực hành để cung cấp cho thị trường một đội ngũ các nhà môi giới nắm vững lý thuyết và nghiệp vụ.
- Hai là: Đào tạo cần phân cấp thành hai mức: đào tạo cơ bản và đào tạo nâng cao. Chương trình cơ bản cần có nội dung phù hợp để đào tạo đội ngũ các nhân viên môi giới nắm vững những nguyên lý của thị trường BĐS, có kiến thức nghiệp vụ đầy đủ về thương vụ môi giới. Chương trình đào tạo nâng cao dành cho đào tạo các chuyên viên môi giới có thể hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm về hoạt động môi giới của mình trước pháp luật.
- Ba là: Quan điểm đào tạo theo nhu cầu thị trường. Đào tạo nghề môi giới theo nhu cầu thị trường có nghĩa là việc hình thành và phát triển đội ngũ các nhà môi giới phải tuân theo các quy luật vận động của thị trường. Các nhà môi giới phải có năng lực đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, tránh việc đào tạo hình thức, cấp chứng chi hành nghề mà không có năng lực thật sự.
- Bốn là: Quan điểm bình đẳng trong tham gia thị trường bất động sản. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là đào tạo và phát triển đội ngũ các nhà môi giới BĐS lớn mạnh, mà còn phải điều chỉnh hoạt động của họ để thị trường BĐS phát triển theo đúng định hướng phát triển của nền kinh tế và mục tiêu chung của xã hội. Điều này đòi hỏi phải tăng cường vai trò và hiệu lực của Nhà nước trong việc hỗ trợ, điều tiết và định hướng đào tạo.
- Năm là: Quan điểm phát triển đồng bộ. Một yêu cầu đặt ra đối với phát triển thị trường BĐS nói chung là phải đảm bảo tính đồng bộ giữa việc đào tạo đội ngũ các nhà môi giới với việc đào tạo và phát triển các nghề nghiệp liên quan như định giá, quản lý, tư vấn BĐS, tư vấn xây dựng, giám sát thi công công trình… Đồng thời, nội dung chương trình đào tạo đội ngũ các nhà môi giới BĐS cũng đòi hỏi phải cân đối đồng bộ với nội dung đào tạo các ngành nghề liên quan trên thông qua chương trình đào tạo cơ bản.
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐỂ TIẾN HÀNH ĐÀO TẠO NGHỀ MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN
Việc tiến hành đào tạo nghề môi giới BĐS cần một giải pháp thực hiện đồng bộ. Ngoài việc xây dựng chương trình đào tạo chi tiết, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, đào tạo một đội ngũ giảng viên có năng lực trong đào tạo môi giới BĐS, còn cần xây dựng và hoàn thiện các giải pháp vĩ mô, hỗ trợ cho sự hình thành và vận hành các ngành nghề dịch vụ trong thị trường BĐS. Dưới đây xin đề xuất các giải pháp cụ thể để tiến hành đào tạo nghề môi giới BĐS tại Việt Nam.
- Đào tạo đội ngũ giáo viên với trình độ và số lượng đủ đáp ứng cho đòi hỏi của thị trường. Xây dựng và công nhận những cơ sở đào tạo chuẩn có thể tiến hành đào tạo. Đây là chiến lược xây dựng mạng lưới đào tạo với quy mô rộng và chuyên nghiệp, đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Song song với việc này, cần đặc biệt chú trọng đầu tư theo hướng trọng điểm, nâng cao chất lượng, năng lực của những cơ sở đào tạo đang có sẵn. Chính những trung tâm đào tạo đầu ngành này sẽ làm đầu tầu để kéo theo sự phát triển rộng và sâu ở khía cạnh khoa học, cũng như đào tạo ra những cán bộ chuyên môn cao trong các ngành nghề liên quan đến môi giới BĐS.
- Đầu tư nghiên cứu để xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo môi giới cơ bản hiện nay, đáp ứng tiêu chí khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Ngoài ra cũng cần xây dựng những chương trình đào tạo chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của các dạng BĐS chuyên biệt, ít có giao dịch trong thị trường, phù hợp quá trình hội nhập quốc tế.
- Xây dựng những chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà môi giới trong tương lai, tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề về môi giới, xuất bản sách, tạp chí về các ngành nghề dịch vụ trong thị trường BĐS.
- Xây dựng và phát triển hợp tác về nghiên cứu, đào tạo nghề môi giới với nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, theo kịp xu thế hội nhập với thế giới hiện nay.
- Trong tương lai gần, khi đội ngũ các nhà môi giới chuyên nghiệp dần đông đảo, cần xây dựng Hiệp hội các nhà môi giới Việt Nam cũng như Liên hiệp các Hiệp hội môi giới (trong đó bao gồm các Hiệp hội môi giới theo vùng lãnh thổ). Chính những Hiệp hội môi giới này sẽ là tổ chức hỗ trợ, đào tạo, giám sát hoạt động nghề nghiệp của các nhà môi giới, bảo đảm sự vận hành tốt của đội ngũ các nhà môi giới cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
- Tổ chức một cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, thành phố, hoặc giao trách nhiệm cho một Bộ theo dõi, hỗ trợ, xử lí vi phạm liên quan đến các hoạt động của nhà môi giới BĐS.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân về các chính sách pháp luật liên quan đến BĐS, quảng cáo rộng rãi thông tin về các cơ sở đào tạo chuẩn nghề môi giới.
Trên đây là một số đề xuất ban đầu để góp phần xây dựng và đào tạo lớp các nhà môi giới BĐS tại Việt Nam. Thành công của sự nghiệp đào tạo này phụ thuộc rất lớn vào mức độ quan tâm của các cơ quan Nhà nước liên quan.
Nguồn: TS. Nguyễn Minh Ngọc