Không chỉ các kỳ hạn dài mà loạt kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng của ngân hàng này cũng giảm khoảng 0,3-0,5 điểm %. Lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này (không tính gói tiết kiệm có tham gia bảo hiểm nhân thọ) đã giảm xuống còn 8,85%/năm.
Trong tuần trước, Sacombank đã áp dụng biểu lãi suất mới và đồng loạt giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm từ 9%/năm xuống còn 8,65%/năm, tức điều chỉnh 0,35 điểm %. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức 8%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước.
Đáng chú ý, không chỉ các kỳ hạn dài mà lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn cũng giảm mạnh, rời xa mức trần 6%/năm. Chẳng hạn như ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất đã giảm tới 0,5 điểm % xuống 5,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng giảm 0,4 điểm % xuống 5,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 5,7%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất cũng giảm khoảng 0,3-0,5 điểm % so với trước khi thay đổi. Trong đó, tại kỳ hạn 15-36 tháng, lãi suất giảm từ 9,2%/năm xuống còn 8,7-8,85%/năm. Kỳ hạn 12 tháng điều chỉnh 0,5 điểm % xuống 8,6%/năm. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 8,2%/năm.
Đối với gói tiết kiệm có tham gia bảo hiểm nhân thọ, lãi suất sẽ cao hơn khá nhiều, cao nhất là 9,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng đã giảm khoảng 0,4%/năm so với hồi đầu tháng 2.
Không chỉ Sacombank mà hàng loạt nhà băng khác như LienVietPostBank, NCB, VietABank, BaoVietBank,... cũng điều chỉnh lãi suất trong 1 tuần trở lại đây. Nhìn chung các ngân hàng đều điều chỉnh giảm từ 0,3 cho đến 0,8 điểm % so với trước. Ngoại trừ VietABank, ngân hàng này lại tăng lãi suất huy động từ ngày 9/2. Nguyên nhân là do lãi suất trước đó của ngân hàng khá thấp so với mặt bằng chung nên đợt điều chỉnh này nhằm nâng lãi suất lên ngang với thị trường.
Không chỉ trên thị trường 1 mà lãi suất liên ngân hàng cũng giảm sâu trong 2 tuần qua. Số liệu được NHNN công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 – 95% doanh số giao dịch) trong phiên 15/2 đã giảm về còn 3,64%/năm – mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022. So với trung tuần tháng 1, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm 2,8 điểm %. Trong bối cảnh đó, NHNN đã có động thái hút ròng thanh khoản trong tuần qua (khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng) thông qua kênh tín phiếu và OMO.
Việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động từ đầu năm đến nay là điều kiện quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay. Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng như Agribank, Techcombank, VietinBank, Sacombank, MB, SeABank,…đã công bố các chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1-3%/năm. Đặc biệt, Agribank còn thông báo giảm lãi suất tối đa 3%/năm cho các dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 đang gặp khó khăn.
Các chuyên gia phân tích của VNDirect chỉ ra một tín hiệu về xu hướng lợi suất Trái phiếu Chính phủ cho thấy bước ngoặt của lãi suất tiền gửi. Cụ thể, tính đến cuối tháng 1/2023, trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam đã giảm 42 và 38 điểm cơ bản so với cùng kỳ, về mức 3,8% và 4,1%. Trên thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm lần lượt 45 và 40 điểm cơ bản so với đầu năm. Nhóm phân tích cho rằng, xu hướng đảo chiều của lợi suất TPCP thường báo hiệu bước ngoặt của lãi suất tiền gửi. Các chuyên gia kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý 1/2023 và sau đó giảm dần kể từ quý 2/2023.
Nguồn: CafeF