Mê Linh đang được quy hoạch trở thành quận và sau này hướng tới mục tiêu làm thành phố vệ tinh trong Hà Nội. Địa phương này đang sở hữu nhiều tiềm năng to lớn, đặc biệt là vị trí.
Tại Hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết việc quy hoạch xây dựng vùng huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực và định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, xây dựng huyện Mê Linh là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững có thể làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên thành quận hoặc thành phố trực thuộc Hà Nội. Trong đó bao gồm xây dựng Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao.
Hướng Mê Linh đến năm 2030 trở thành vùng phát triển của thành phố, có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh cũng nhấn mạnh đây là cơ hội để địa phương nghiên cứu, tính toán các lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng như trục Vành đai 4, Sân bay quốc tế Nội Bài. Từ đó nghiên cứu quy hoạch thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng, trung tâm tri thức và sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, logictics, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế tầm cỡ trong nước và khu vực.
Đưa Mê Linh thành thành phố trực thuộc thành phố
Mới đây, UBND Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng sự phát triển huyện Mê Linh gắn với sự phát triển của Thủ đô.
Cụ thể, huyện Mê Linh là một phần của thành phố mới tương lai (thành phố trong thành phố). Mê Linh cũng được quy hoạch theo hướng lên thành quận sau năm 2025.
Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu mọi tiềm năng, lợi thế của huyện Mê Linh trong mối liên hệ vùng, tập trung nghiên cứu phát triển đô thị gắn với trục trung tâm là đường Vành đai 4 đi qua huyện 16 km làm động lực phát triển chính, Quy hoạch huyện Mê Linh hướng đến triển hài hòa về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, dịch vụ, du lịch.
Bên cạnh đó, cập nhật, bổ sung các nội dung của đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh đã được UBND Thành phố phê duyệt năm 2014, làm cơ sở để nghiên cứu cập nhật, thống nhất trong quá trình lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bảo tồn, khớp nối quy hoạch các khu vực nông thôn, gắn với phát triển đô thị; bảo vệ giá trị cảnh quan (bao gồm cả cảnh quan mặt nước sông Hồng), môi trường sinh thái bổ trợ cho khu vực đô thị trung tâm sôi động bên trong đường Vành đai 4.
Quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp sinh thái; quy hoạch bảo tồn các làng nghề gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Đồng thời nghiên cứu khả năng tổ chức các khu chức năng có giá trị tạo động lực phát triển kinh tế mới cho địa phương trong mối quan hệ liên hệ vùng giữa tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội và quan hệ về không gian kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mê Linh với huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc); huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm.
Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng huyện Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của Thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối, trung chuyển hàng hóa và các trung tâm phân phối sản phẩm ở cửa ngõ phía Bắc thủ đô; hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp...
Mê Linh sở hữu nhiều tiềm năng khi trên địa bàn huyện được quy hoạch 3 tuyến đường vành đai, với tổng chiều dài khoảng 25 km gồm Vành đai 3; đường Vành đai 3,5 và đường Vành đai 4. Ngoài ra quy hoạch cơ bản có 45 tuyến đường trục chính liên khu vực với tổng chiều dài khoảng 230 km gồm đường Mê Linh (đường 100), đường LK40 (đường 48 m từ Trung tâm Văn hóa Thể thao - Khu Trung tâm Hành chính - Yên Vinh - KCN Quang Minh)...
Nhiều lợi thế nhưng vẫn còn chậm
Cũng tại hội thảo, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết vào những năm 2000, Mê Linh còn là huyện thuần nông nghiệp, không có đô thị, không có công nghiệp, chủ yếu cung cấp rau, hoa cho Hà Nội. Song đến nay cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch sang công nghiệp là chủ yếu, chỉ 1-2% là nông nghiệp.
Dẫu vậy, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ đánh giá quá trình thực hiện các quy hoạch của Mê Linh hiện nay còn chậm. Dù là một trong những huyện đầu tiên trên cả nước có quy hoạch trở thành thành phố vệ tinh, thành phố đối trọng của Hà Nội nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Nguyên Phó thủ tướng nhất trí quan điểm đưa Mê Linh lên quận để phù hợp với quản lý theo cấp đô thị. Trong tương lai tiếp tục hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trong thành phố, có đối trọng với thủ đô.
“Tính độc lập của Mê Linh rất cao, vị trí của Mê Linh rất thuận lợi khi sát sông Hồng, trục hành lang Đông Tây. Mê Linh phải đảm nhiệm chức năng đô thị vệ tinh của Hà Nội để gánh vác thêm trách nhiệm của Hà Nội”, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định.
Tiềm năng lớn nhất của Mê Linh là đất đai với 7.000 ha đất đô thị, cho không gian phát triển thuận lợi. Lợi thế thứ 2 là hệ thống giao thông trước mắt là Vành đai 3, Sân bay quốc tế Nội bài và đường Vành đai 4 sắp xây dựng.