Việc cắm mốc, kiểm đếm mặt bằng đang được triển khai tại Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh để chuẩn bị thi công dự án vành đai 4 - vùng thủ đô.
Gần 6 tháng từ khi Quốc hội phê duyệt dự án vành đai 4 - vùng thủ đô, UBND Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang đẩy nhanh việc cắm mốc giới giải phóng mặt bằng để đảm bảo khởi công dự án vào tháng 6/2023. Dự án sẽ đi qua các địa phương với chiều rộng nền đường 120 m, đảm bảo cho thiết kế cầu cạn cao tốc ở giữa và đường song hành hai bên.
Trao đổi với Zing, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết dự kiến đến 15/12, ban sẽ hoàn tất bàn giao 2.700 cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương để tiến hành thu hồi đất. Cọc có chất liệu bê tông, trên mặt ghi "Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội + mốc giới".
Đường vành đai 4 được định hướng đi qua đồng ruộng, hạn chế tối thiểu việc lấy đất thổ cư để tiết kiệm chi phí đền bù đất. Tuy nhiên, một số địa bàn dân cư vẫn phải chấp nhận ảnh hưởng từ dự án. Trong ảnh là khu nghĩa trang tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín) phải di dời hoàn toàn khi đường vành đai 4 (vùng màu vàng) đi qua.
Khoảng 14.600 phần mộ trên địa bàn 6 huyện và một quận của Hà Nội sẽ phải di dời để phục vụ thi công vành đai 4. Địa phương đang kiểm đếm, vận động người dân di dời mồ mả để có mặt bằng làm đường.
Trong giai đoạn 1, dự án có 8 nút giao liên thông gồm nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trục Mê Linh, đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38, Nội Bài - Bắc Ninh. Đồ họa: Duy Anh.
Vị trí nút giao liên thông giữa vành đai 4 (đường màu vàng) và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Nút giao giữa vành đai 4 với đại lộ Thăng Long tại địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức.
Vành đai 4 sẽ đi qua địa bàn một quận duy nhất của Hà Nội là Hà Đông. Đường vành đai sẽ cắt quốc lộ 6 tại vị trí sát bến xe Yên Nghĩa và ga cuối của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Phối cảnh nút giao liên thông giữa đường vành đai 4 và các trục đường hướng tâm. Ảnh: Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình giao thông Hà Nội.
Sau khi đi qua một loạt huyện ngoại thành Hà Nội, đường vành đai 4 sẽ cắt qua sông Hồng tại vị trí cầu Mễ Sở và đi sang địa phận tỉnh Hưng Yên.
Cầu Mễ Sở dự kiến được đặt cách trạm bơm Hồng Vân khoảng 600 m về phía hạ lưu, có điểm đầu kết nối ở nút giao giữa vành đai 4 và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình giao thông Hà Nội.
Song song với việc cắm mốc GPMB, các nhà thầu đang tiến hành khoan thăm dò địa chất với cự ly 500 m/mũi khoan để đánh giá nền đất và xác định biện pháp thi công phù hợp.
Dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 Vùng thủ đô được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56 ngày 16/6 với chiều dài 112,8 km. Dự án đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Trong đó, chiều dài của dự án tại Hà Nội là 58,2 km, Hưng Yên 19,3 km và Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gần sân bay Nội Bài và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối nằm trên địa bàn huyện Quế Võ (Bắc Ninh), gần cao tốc Hà Nội - Hạ Long.
Đây được đánh giá là "siêu dự án" với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, chia thành 7 dự án thành phần gồm 3 dự án giải phóng mặt bằng, 3 dự án xây đường song hành và một dự án đầu tư xây dựng cầu cạn cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đặt mục tiêu khởi công dự án vào tháng 6/2023.
Nguồn: zingnews.vn