Bí thư Hà Nội: "Sẽ phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô". Hai thành phố dự kiến được xây dựng gồm Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai). Đây là một trong những nội dung được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết khi phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, sáng 23/11.
Theo ông Dũng, xây dựng hai thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực phía bắc, phía đông và phía tây của thành phố. Việc này nằm trong nội dung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Ban cán sự đảng UBND thành phố đề xuất và các đại biểu thảo luận tại hội nghị.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu định hướng phát triển khu vực nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Bắc Bộ; phát triển các huyện phía Nam, vùng xa, giáp ranh với các tỉnh khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì (vốn là các địa phương còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội), tránh hình thành các "vùng trũng" về phát triển.
Ban chấp hành Đảng bộ thành phố tán thành nội dung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Song để khả thi, trong quá trình nghiên cứu định hướng điều chỉnh tổng thể, cơ quan chuyên ngành của thành phố cần bám sát các nghị quyết của trung ương liên quan đến phát triển Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và nghị quyết quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
"Cần lưu ý quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại và tính toán các điều kiện hạ tầng nhằm góp phần đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố", Bí thư Hà Nội nói, yêu cầu các cơ quan nghiên cứu chỉ tiêu, nhiệm vụ, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, các đồ án quy hoạch chuyên ngành của thành phố.
Cũng liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch, ông Dũng cho biết, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, dân số thực tế của thành phố đã trên 10 triệu (bao gồm cả dân số vãng lai, người lao động làm việc tại Hà Nội nhưng không cư trú...). Vì vậy, ông đề nghị cơ quan chuyên môn tính toán hiện trạng và dự báo dân số, đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay của Thủ đô.
"Việc tính toán, dự báo chính xác dân số là cơ sở quan trọng để đề ra các giải pháp quản lý cũng như tính toán, cân đối về chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đất đai trong quá trình lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Trước đó, trong phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, ngoài định hướng xây dựng hai thành phố Bắc Sông Hồng và Tây Hà Nội, có ý kiến đề nghị nghiên cứu các thành phố khác nếu đủ điều kiện, ví dụ khôi phục lại thành phố Sơn Tây.
Theo ông Tuấn, trong quá trình hoàn thiện đồ án, các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu. Đô thị trung tâm từ vành đai 4 trở vào, thành phố nghiên cứu phát triển thêm một cực về phía Bắc, một cực về phía Tây; trường hợp phân bố phát triển hoàn chỉnh, ví dụ phía Nam với đô thị vệ tinh Phú Xuyên, nếu gắn được với sân bay phía Nam thì có cơ sở hình thành thành phố sau năm 2030. Những nơi có trọng tâm như thành phố Sơn Tây sẽ được nghiên cứu.
Hà Nội hiện có 12 quận, một thị xã và 17 huyện (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị). Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm tám quận Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Trước đây, tỉnh Hà Tây (cũ) có hai thành phố trực thuộc là TP Hà Đông và Sơn Tây. Năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, hai thành phố này thành thị xã. Hiện Hà Đông lên quận, còn Sơn Tây vẫn là thị xã.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô dự kiến đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch là: Tăng trưởng GRDP; GRDP/người; tốc độ tăng vốn đầu tư; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; giảm số hộ nghèo so với năm trước.
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2023 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 7% trở lên. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 10,5-11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5-8%.
Nguồn: vnexpress